Đào là loại cây thường dùng để trưng vào ngày tết ở miền Bắc, sau những ngày nở rộ vào dịp tết, rất nhiều cây đào vẫn có thể trồng lại được, nếu tỉ mỉ và chăm sóc đúng cách thì còn có thể cho ra hoa đẹp và đúng tết ở các năm tiếp theo. Hôm nay hãy cùng Namix tìm hiểu xem trồng đào sau tết như thế nào để tết năm sau đào vẫn nở bông đúng dịp nhé!

chăm sóc đào sau tết

Ảnh: Internet

Trước khi trồng lại đào cần lưu ý điều gì?

Khi bạn muốn trồng lại cây mới từ gốc cũ nên cân nhắc chọn loại đào cây còn tơ thì cây mới sống lâu, sinh trưởng tốt và dùng được nhiều năm mà hoa vẫn nở đều, đẹp, đậm màu.

Cây đào được mang đi trồng lại phải là những cây đào đã nở hết các lộc non và số nụ còn lại. Để thúc cho hoa nở nhanh, bạn có thể tưới nước ấm vào gốc cây 3 – 4 lần/ngày, pha loãng phân Kali để tưới cho cây.

Trước khi trồng lại đào vào đất mới bạn cần phải để cây nghỉ ngơi hồi sức bằng cách tưới nước, cắt bỏ bớt cành lá của cây, sau vài ngày mới trồng bầu, hạ đất.

Chuẩn bị đất trồng

Nơi trồng đào tốt nhất là nơi có nhiều ánh sáng và không gian rộng lớn như ở ngoài vườn, nếu không có không gian lớn bạn có thể trồng trong chậu nhưng cần đảm bảo không gian sống và độ thoát nước của chậu cây.

Đất trồng đào thích hợp là khu đất cao ráo, thoát nước tốt, đất thịt pha sét có pH từ 7 – 8. Khi làm đất chú ý lên luống cao khoảng 25 – 30 cm, rộng khoảng 70 cm, tạo rãnh thoát nước, làm đất tơi xốp.

Nếu trồng trong chậu thì nên thay ¼ đất trồng bằng phân hữu cơ để nuôi cây.

Khi trồng cây chú ý chỉ lấp đất vừa ngang cổ rễ, sau đó nêm nhiều đất xung quanh cho thật chặt rồi tưới nước cho cây.

Cắt sửa cành

Ngày đầu tiên sau khi trồng cần tiến hành cắt cành ngay, lần này phải cắt thật nhiều cành để mọc ra nhiều cành mới, nếu không khi còn quá nhiều cành già thì năm sau hoa chỉ ra ở đọt cành.

Sau đó mỗi tháng cần phải cắt tỉa nhẹ một lần cho cây (đến khoảng tháng 6 âm lịch thì dừng lại), trong quá trình cắt tỉa cần chú ý kết hợp tạo tán cho cây.

cắt tỉa đào

Ảnh: Internet

Bón phân cho cây đào

Thường xuyên bón phân cho cây đào từ 20 ngày sau trồng đến tháng 9 hàng năm.

Bón mỗi gốc đào từ 0,5 đến 1kg NPK trộn với 2ml Siêu phân bón NEB tùy theo kích cỡ của cây. Bón cách gốc 30 – 50cm theo hình chiếu của tán cây, cung cấp đủ nước cho đào trong thời kỳ bón phân để cây có thể hấp thụ tốt lượng phân và sinh trưởng tốt.

Hãm cây

Hãm cây là hành động có mục đích hạn chế sự sinh trưởng của cây, thúc ép cây chuyển sang giai đoạn phát triển, ra hoa.

Ở đào, người ta thường dùng dao sắc khứa quanh một vòng làm đứt phần vỏ cây ở phần cổ cây. Sau khi hãm khoảng một tuần quan sát thấy lá đào hơi rủ và chuyển từ màu xanh sang xanh nhạt là được. Nếu chưa được thì cần phải hãm lại bằng cách khứa thêm vết mới bên trên vết hãm cũ.

Nên hãm cây vào giữa tháng 8 đến cuối tháng 8 âm lịch. Chú ý không hãm những cây đã già.

Thúc hoa

Không phải cùng một cách chăm sóc thì năm nào đào cũng ra hoa đúng tết, tùy vào thời tiết ấm hay lạnh mà đào sẽ ra hoa sớm hay muộn. Đầu tháng 12 âm lịch mà bạn vẫn chưa thấy chồi và nụ hoa lú lên một cách rõ ràng thì cần tiến hành thúc.

Ta có thể thúc hoa bằng một số cách: Hòa tan phân Kali và lân trắng loãng với nước rồi tưới vào gốc (Hàm lượng phụ thuộc vào tính trạng nụ, kích thước cây…), dùng nước ấm 40 – 50 độ tưới quanh gốc cây…

thúc hoa đào

Ảnh: Internet

Hãm hoa

Vào cuối tháng 11 âm lịch mà đã thấy nụ hoa nhú lớn thì rất có thể đào sẽ ra hoa sớm, lúc này cần phải hãm hoa. Có thể hãm hoa bằng biện pháp che ánh nắng, tạo bóng tối cả ngày cho cây từ 10 – 15 ngày, tưới nước lạnh quanh gốc cây 4 – 5 lần/ngày, hoặc pha loãng ure với nồng độ 1% để tưới cho cây…

Phòng trừ sâu bệnh

Trên đào thường xuất hiện các bệnh như xoăn lá, nứt thân xì mủ… và các loại sâu phổ biến như sâu đục thân, nhện đỏ, rệp muội… Nếu chỉ trồng lại một vài gốc đào thì chỉ cần chú ý quan sát và chăm sóc sẽ hạn chế được sâu bệnh, khi phát hiện triệu chứng sâu bệnh cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp.

Tạo tán tạo thế cho chậu hoa đào

Tạo tán và thế là điều cực kỳ quan trọng để có một chậu đào đẹp. Muốn tạo thế và tạo tán cho cây đào thì cần phải tiến hành liên tục việc buộc các cành non với nhau hoặc uốn và tạo khung như các thế đã định, đồng thời cắt tỉa và loại bỏ những cành ngoài ý muốn.

tạo thế đào

Ảnh: Internet

Trên đây là những chia sẻ của Namix về việc trồng và chăm sóc đào sau tết, mong rằng sẽ giúp các bạn có thể tận dụng lại những cây đào đã chơi xong mà còn có thể để chăm sóc cho chúng ra hoa đúng tết năm sau.

Tìm hiểu thêm

Bài Viết Liên Quan

Call Now Button