Cách trồng mồng tơi cũng khá đơn giản. Có nhiều cách để trồng rau mồng tơi như trồng bằng hạt, cành,… Nếu bạn cũng đang tìm hiểu cách gieo hạt mồng tơi sao cho nhanh nảy mầm và đạt tỉ lệ sống cao thì đừng bỏ lỡ bài viết này của Namix nhé!

Đặc điểm sinh trưởng của mồng tơi

rau mồng tơi

Nguồn: Internet

Tên khoa học: Basella alba L.
Tên tiếng Anh: Red vine spinach, creeping spinach, Climbing spinach, Indian spinach, Asian Spinach.
Thuộc họ: Mồng tơi (Basellaceae)
Nguồn gốc: Các nước Nam Á, Châu Phi, Nam Mỹ

  • Mồng tơi là loại cây thân thảo, mọng nước, ngắn ngày. Đây là loại dây leo quấn, mập và nhớt, sống hàng năm hay hai năm, thân nhẵn bóng có màu xanh hay tím.
  • Rễ chùm mọc sâu trong đất, thích hợp trên đất tơi xốp.
  • Lá dày hình tim, mọc xen, đơn, nguyên, có cuống lá ngắn. Các lá non thường to hơn, đỉnh tròn.
  • Cụm hoa hình bông mọc ở kẽ lá, màu trắng hay tím đỏ nhạt.
  • Quả mọng, nhỏ, hình cầu hoặc trứng, dài khoảng 5–6 mm, màu xanh, khi chín chuyển màu tím đen.
  • Hạt mồng tơi có hình cầu đường kính khoảng 3 mm

Cần chuẩn bị những gì khi trồng rau mồng tơi

Chuẩn bị đất trồng rau mồng tơi

đất sạch trồng rau Namix

Nguồn: Namix

Rau mồng tơi là một loại rau dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất. Độ pH của đất yêu cầu từ 6,5 – 6,8. Đồng thời, đất phải giữ nước và thoát nước tốt. Nếu đất bị khô thì cây sẽ ra hoa và lá có vị đắng nhiều hơn. Còn đất bị ẩm quá dễ gây úng rễ và chết cây.

Nếu bạn bận rộn, khuyên bạn nên lựa chọn các loại đất trồng rau được đóng gói sẵn bán trên thị trường. Vừa đảm bảo cây đủ dinh dưỡng, lại tiện lợi có thể sử dụng ngày, không cần tốn thời gian chuẩn bị đất quá nhiều.

Chuẩn bị giống mồng tơi để trồng

Mồng tơi chủ yếu được trồng từ hạt, các hạt giống này có thể dễ dàng mua được tại các cửa hàng nông sản hoặc siêu thị lớn trên toàn quốc. Nên chọn những địa chỉ mua hàng uy tín, chú ý hạn sử dụng của hạt giống để đảm bảo hạt giống nảy mầm đúng thời gian quy định.

Muốn hạt nảy mầm tốt hơn, nên ngâm hạt giống rau mồng tơi vào nước ấm theo tỉ lệ 1 nóng : 3 lạnh khoảng 10 đến 12 tiếng. Trong quá trình ngâm, vớt bỏ các hạt giống nổi trên nước vì hạt rau mồng tơi đó không có chất lượng tốt .

Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị thêm vật liệu trồng, có thể thùng xốp hoặc chậu nhựa, bình tưới nước, phân bón,…

Trồng rau mồng tơi trong thùng xốp

trồng mồng tơi

Nguồn: Internet

Cho đất đã chuẩn bị sẵn để trồng mồng tơi vào chậu xốp.

Tiến hành gieo hạt mồng tơi bằng cách rải đều tay với mật độ 2 đến 5cm. Hoặc bạn cũng có thể gieo hạt mồng tơi theo hàng, với mật độ và khoảng cách giữa các hàng từ 2 đến 5cm.

Tiếp theo, bạn lấp đất cao khoảng 1 đến 3cm, sau đó tưới nước 1 lần hoặc 2 lần mỗi ngày. Sau 5 đến 7 ngày là mồng tơi bắt đầu nảy mầm và khoảng 20 đến 25 ngày là bạn có thể thu hoạch mồng tơi để thưởng thức rồi.

Chăm sóc sau trồng cho rau mồng tơi

Bón phân

Rau mồng tơi không yêu cầu quá nhiều phân bón để cung cấp dinh dưỡng. Vì sử dụng đất trồng rau được đóng gói sẵn có đủ dinh dưỡng nên chỉ cần tưới đủ nước rau sẽ sinh trưởng tốt. Tuy nhiên để rau mồng tơi cho lá to, màu sắc tươi có thể bổ sung phân trùn quế giai đoạn trước thu hoạch 10 – 15 ngày và sau mỗi đợt thu hoạch.

Tưới nước

Đối với rau mồng tơi trồng trong thùng xốp, dùng bình tưới có vòi ô doa để tưới đều trên mặt luống đến khi quan sát thấy đất đã đủ ẩm. Vào những ngày thời tiết nắng nóng và độ ẩm giảm thấp nên tưới 2 lần/ngày, tưới vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát , hạn chế tưới vào buổi tối vì độ ẩm cao dễ gây nấm bệnh.

Cắm cọc, làm giàn

Rau mồng tơi có sức sống tốt, cây có thể leo 0,5 m – 1 m trên giàn vì vậy việc làm giàn là rất cần thiết. Có thể cắm cọc ở ngoài hoặc ở trong thùng xốp nhưng cần đảm bảo không gây ảnh hưởng đến rễ.

Hoặc cũng có thể lựa chọn đặt thùng xốp gần bờ tường, hàng rào để mồng tơi bám và leo lên thay vì cắm cọc, làm giàn.

Phòng và trị sâu, bệnh hại

Mồng tơi hay bị các loại sâu, bệnh hại ảnh hưởng. Dưới đây là các loại sâu bệnh hại ấy và cách phòng trừ cũng như điều trị bạn có thể tham khảo nhé!

Rệp muội

Phòng trừ: Sử dụng Karate 2,5EC liều lượng 10 – 15ml/bình 10lít, hoặc Supracide 40ND liều lượng 10 – 15ml/bình 10 lít, Actara 25WG liều lượng 25-30g/ha…

Sâu ăn lá (Sâu khoang, sâu tơ, sâu xanh)

Phòng trừ: sử dụng Sherpa 25EC liều lượng 20-30ml/16L, Selecron 500EC liều lượng 30-40ml/bình 16L, Reasgant 3.6EC liều lượng 10ml/bình 16L

Bệnh thối gốc, thối thân

Phòng trừ: Đảm bảo đất thoát nước tốt, duy trì nhiệt độ thấp nhất có thể trong những giai đoạn nóng của mùa vụ trồng.

Nhổ bỏ những cây bị bệnh nặng, luân canh với cây trồng khác (tốt nhất nên luân canh với lúa nước)
Sử dụng thuốc Aliette 800WG, Ridomil Gold 68WP để phun phòng trừ bệnh.

thuốc trị thối thân thối rễ mồng tơi

Nguồn: Internet

Bệnh đốm lá

Phòng trị:

Thu dọn tàn dư thực vật; Làm đất sớm, phơi ải;

Dùng thuốc: Vizincop 50BTN, Penncozeb 75DF …

Thu hoạch rau mồng tơi

Thời gian thu hoạch mồng tơi là khi quan sát thấy đám rau đủ lớn. Không nên để lá mồng tơi phát triển quá to mới thu hoạch, bởi lúc này cây đã khá già, rau thưởng thức sẽ không còn ngon nữa.

Bạn có thể thu hoạch bằng cách tỉa những cành non và lá, chừa lại phần gốc để cây tiếp tục phát triển nhé! Khi thu hoạch nên dùng dao cắt ngọn cây từ 15 – 20 cm chừa cuống lá để cây ra mầm mới. Sau khi cắt tưới nước chăm sóc như cũ thì khoảng 1 tuần là có thể thu hoạch đợt tiếp theo.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của Namix! Hy vọng bạn có thể trồng được một giàn rau mồng tơi để phục vụ cho các bữa ăn của gia đình nhé!

Tìm hiểu thêm

Bài Viết Liên Quan

Call Now Button